Đáp ứng một số câu hỏi về nhu cầu mua sắm loa chơi Tết của độc giả, mình có bài viết về vấn đề so sánh và lựa chọn giữa 2 dòng loa cơ bản là active hay passive giúp người dùng có cái nhìn cũng như sự chọn lựa phù hợp cho nhu cầu chơi loa của mình.
Như chúng ta đã biết, thành phần luôn được xem là quan trọng nhất trong mỗi dàn âm thanh chính là loa, đây là thiết bị cuối cùng trong hệ thống tái tạo, trực tiếp chuyển đổi tín hiệu điện thành những giai điệu đến người nghe. Hiện nay, có vô số model, mẫu mã loa với rất nhiều kiểu thiết kế và công nghệ khác nhau, phủ khắp tất cả các phân khúc thị trường nhưng chúng vẫn được xếp vào 2 nhóm cơ bản là active (loa tích hợp, loa chủ động) và passive (loa thụ động). Trước khi đi vào tìm hiểu những đặc trưng, ưu điểm và nhược điểm của từng kiểu loa nói trên, chúng ta hãy cũng điểm lại khái niệm và đặc điểm của chúng.
Loa thụ động (passive speakers) là kiểu loa cơ bản nhất khi nó chỉ đảm nhận duy nhất vai trò phát thanh trong hệ thống âm thanh, nhận tín hiệu khuếch đại từ ampli và chuyển nó thành sóng âm thanh. Các loa loại này thường chỉ được cấu tạo từ 3 thành phần chính bao gồm củ loa, bộ phân tần và thùng loa, chúng luôn cần có bộ khuếch đại để có thể phát ra âm thanh.
Loa tích hợp, loa chủ động (được biết đến với các thuật ngữ active speakers hay đôi khi là powered speakers hoặc self-powered speakers) là một sự nâng cấp, mở rộng của loa passive thuần túy khi trong loa được tích hợp thêm mạch ampli để khuếch đại trực tiếp cho hệ thống củ loa, không cần thêm bộ khuếch đại gắn ngoài. Đôi khi, các loa này còn được trang bị thêm phần tiếp nhận và xử lý tín hiệu cho phép loa có thể chơi nhạc không dây, chơi nhạc số trực tiếp từ các nguồn phát kĩ thuật số mà không cần thêm bất kì thiết bị hỗ trợ nào khác như ampli hay bộ giải mã.
Trước đây, với hầu hết các hệ thống loa dân dụng, người chơi thường lựa chọn loa thụ động bởi sự phổ biến của nó cùng công thức của một dàn âm thanh cơ bản: nguồn phát + bộ khuếch đại + loa, người dùng có thể thoải mái phối ghép, thay đổi các thiết bị trong hệ thống để đi tìm âm thanh ưng ý. Khi đó mảng loa tích hợp còn chưa mấy phát triển, chúng chỉ thường xuất hiện trong các phòng thu chuyên nghiệp của dân âm thanh và thường chỉ được trang bị thêm amapli công suất, vẫn cần có sự hỗ trợ của bộ giải mã, pre-ampli để xử lý tín hiệu và điều khiển. Tuy nhiên, loa tích hợp đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây cả về công nghệ lẫn chất lượng.
Không chỉ có bộ khuếch đại gắn trong, loa tích hợp hiện tại còn được bổ sung thêm bộ thu phát tín hiệu không dây, mạch giải mã DAC và mạch volume, biến chúng thành những dàn âm thanh hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, nếu như trước đây các dòng loa tích hợp luôn được xem là những sản phẩm đậm tính công nghệ, âm thanh không ấn tượng thì những loa tích hợp cao cấp hiện nay đã đạt đến trình độ rất cao về chất lượng trình diễn, cho ra âm thanh xuất sắc ở ngưỡng hi-end thực thụ. Thậm chí, nhiều hệ thống phối ghép theo kiểu truyền thống với chi phí cao hơn rất nhiều lần cũng khó đạt được chất âm tương đương. Tiêu biểu nhất có thể kể đến những dòng loa không dây hi-end tiên phong trên thị trường từ thương hiệu Dynaudio như XEO hay Focus XD.
Nói về ưu điểm và hạn chế của từng cách chơi, chúng ta có thể nhận thấy loa tích hợp mang những ưu điểm rõ rệt như:
– Sự đơn giản và tinh gọn tuyệt đối, tất cả các thiết bị của hệ thống được gói gọn trong một cặp loa. Dây dẫn rườm rà cũng vì thế được lược bỏ gần như hoàn toàn.
– Có ngay một hệ thống phối ghép tối ưu nhất cả về chất âm và chi phí đầu tư, vượt xa các dàn phối ghép rời ở cùng tầm giá.
– Tương thích cực tốt với nguồn nhạc số, đặc biệt là nhạc hi-res, phù hợp với xu hướng phát triển của phương thức chơi nhạc và các công nghệ hiện đại đi kèm.
– Thiết kế đơn giản, hiện đại, phù hợp với hầu hết mọi kiểu không gian sống đặc biệt là những không gian sống hiện đại hay những không gian nhỏ hẹp, không thể triển khai các hệ thống âm thanh theo kiểu truyền thống.
Ngược lại, loa thụ động lại có những ưu điểm riêng biệt mà chúng ta không thể tìm thấy ở loa tích hợp:
– Có thể thoải mái nâng cấp, thay thế từng thành phần trong hệ thống nhằm thay đổi chất âm.
– Tận dụng được những thiết bị có sẵn như nguồn phát, ampli… để kết hợp với cặp loa mới thành một hệ thống hoàn chỉnh.
– Có thể từng bước nâng cấp dàn âm thanh với giá trị và đẳng cấp không giới hạn, tuy nhiên chi phí cũng rất tốn kém và rất khó đạt được chất lượng tối ưu, đôi khi là hoàn toàn không tương xứng với chi phí đầu tư.
Vậy kết lại, chúng ta nên chọn mua loa tích hợp khi:
– Chưa có kinh nghiệm và hiểu biết về thiết bị cũng như phối ghép dàn âm thanh.
– Không có nhiều thời gian để đầu tư cho việc nghiên cứu thiết bị và phối ghép.
– Có dư kinh nghiệm, kiến thức cũng như thời gian nhưng vẫn muốn có một đầu tư khôn ngoan và tối ưu dành cho khoản tiền mình bỏ ra.
– Chỉ đơn thuần là mua loa để nhe nhạc, không phải để chơi đồ âm thanh.
– Nguồn nhạc chính là nhạc số.
– Chỉ có một không gian hạn chế.
Nên chọn mua loa thụ động khi:
– Muốn tận dụng các thiết bị khác đã có sẵn trong hệ thống như nguồn phát, ampli, bộ giải mã…
– Muốn thay đổi, nâng cấp các thiết bị trong tương lai.
– Muốn tham gia sâu vào cuộc chơi âm thanh với thật nhiều đầu tư và trải nghiệm.
Qua đây, chúc quý độc giải có thể đánh giá đúng nhu cầu và mục tiêu của mình để có những lựa chọn đầu tư hợp lý cho cặp loa nghe nhạc của mình.
Tiến Dũng